Những đứa con của nửa đêm
Phan_45
“Ê này, sahib cu tí,” Picture Singh kêu lên, “Chú thấy sao hỉ, đội trưởng cu tí? Hay là anh kiệu chú lên vai cho chú ợ hơi nhé?” - Và giờ Parvati, khoan dung: “Cái anh này, baba, hơn tí là đùa nhảm.” Cô cười rạng rỡ với tất cả mọi người có mặt... nhưng ngay lúc đó, một việc bất tường xảy ra. Một giọng đàn bà rít lên từ phía sau nhóm ảo thuật gia: “Ai-o-ai-o! Ai-o-o!” Đám đông ngạc nhiên tách ra và một bà già vọt qua lao thẳng vào Saleem; làm tôi buộc phải tự vệ trước một màn múa chảo, cho đến khi Picture Singh, kinh hãi, túm lấy cánh tay múa chảo của bà già, rồi gầm gừ, “Này, đội trưởng gái, làm nhộn cái gì thế?” Và bà già, dai dẳng: “Ai-o-ai-o!”
“Resham Bibi,” Parvati nói, khó chịu, “Kiến bò trong não bà à?” Và Picture Singh, “Chúng ta có khách, đội trưởng gái ạ - cậu ấy biết làm thế nào khi bà cứ rầm rĩ lên? Arre, im nào, Resham, đội trưởng đây là chỗ bạn bè với Parvati của chúng ta đấy! Đừng gào rú trước mặt cậu ấy nữa!”
“Ai-o-ai-o! Điềm gở đến rồi! Ngươi sang xứ lạ và đem nó về đây! Ai-oooo!”
Nét mặt hoang mang của các nhà ảo thuật nhìn từ Resham Bibi sang tôi - bởi mặc dù là một cộng đồng phủ nhận sự siêu nhiên, họ là nghệ sĩ, và, như mọi người hành nghề biểu diễn, họ ngấm ngầm tin vào vận số, vào may rủi... “Chính ông vừa bảo,” Resham Bibi rít lên, “hắn được sinh ra hai lần, và thậm chí không phải từ đàn bà! Giờ thì hoang tàn, bệnh dịch và chết chóc sẽ giáng xuống. Ta ngần này tuổi rồi, ta biết. Arre baba,” bà ta sầu thảm quay sang tôi, “Hãy rủ lòng thương; đi đi - mau đi!” Tiếng xì xầm nổi lên - “Phải rồi, Resham Bibi biết rõ những chuyện ngày xưa” - nhưng Picture Singh nổi cáu. “Đội trưởng đây là thượng khách của ta,” anh quát, “Cậu ấy sẽ ở lại nhà ta bao lâu tùy thích. Các người xì xào cái gì? Đây không phải là chỗ kể chuyện hoang đường.”
Lần đầu tiên lưu lại ghetto của giới ảo thuật của Saleem Sinai chỉ kéo dài vài ngày; nhưng trong quãng thời gian ngắn ngủi ấy, một số chuyện xảy ra đã làm dịu đi nỗi sợ mà ai-o-ai-o đã khơi lên. Sự thật trần trụi, không màu mè là, hồi ấy, các ảo thuật gia và nghệ sĩ trong ghetto bắt đầu đạt những đỉnh cao mới - các nghệ sĩ tung hứng giữ được một ngàn lẻ một trái bóng trên không cùng lúc; đệ tử nhập môn của một fakir lạc bước vào một thảm than hồng, rồi thản nhiên bước qua, như thể cô đã học được bản tính của sư phụ bằng cách thẩm thấu; và tôi nghe nói trò ảo thuật dây thừng[4] đã thành công. Đồng thời, cảnh sát không thực hiện được đợt càn quét hằng tháng vào ghetto, điều trong ký ức của mọi người chưa từng xảy ra; và khu trại liên tục có khách viếng thăm, người hầu của các nhà giàu, đặt hàng sự phục vụ của một hay nhiều nghệ sĩ trong chương trình văn nghệ của đêm gala này nọ... trên thực tế, có vẻ như Resham Bibi lần này đã đoán nhầm, và tôi nhanh chóng trở nên nổi tiếng tại ghetto. Tôi được đặt tên là Saleem Kismeti, Saleem May mắn; Parvati được chúc mừng, vì đã mang tôi về khu ổ chuột. Và cuối cùng, Picture Singh đưa Resham Bibi đến xin lỗi.
[4] Một tiết mục ảo thuật kinh điển của Ấn Độ, trong đó nhà ảo thuật phù phép cho một sợi dây thừng vươn thẳng lên trời, sau đó một cậu bé phụ tá sẽ leo lên rồi biến mất.
“Sin ỗi,” Resham móm mém nói rồi bỏ chạy; Picture Singh thêm, “Già rồi khổ thế đấy; não xơ và trí nhớ lộn tùng phèo hết cả. Đội trưởng, đây ai cũng bảo chú là vận may của chúng tôi; nhưng chú có định ra đi sớm không?” - Và Parvati, đôi mắt tròn xoe nín lặng nhìn tôi như van nài đừng đừng đừng; nhưng tôi buộc phải trả lời bằng câu khẳng định.
Saleem, ngày nay, tin chắc rằng gã đã trả lời, “Có”; rằng cũng vào buổi sáng hôm ấy, vẫn mặc tấm áo choàng lùng thùng, vẫn không rời cái ống nhổ bạc, gã cất bước ra đi, mà không nhìn lại cô gái dõi theo gã với ánh mắt rớm ướt những trách móc; rằng, vội vàng sải bước qua các nghệ sĩ tung hứng đang tập luyện, qua những hàng bánh kẹo phả vào mũi gã thứ mùi quyến rũ của rasgulla, qua các bác thợ cạo lấy mười paisa một lần cạo mặt, qua bước chân tha thẩn vật vờ của những bà cụ và tiếng léo nhéo giọng Mỹ của lũ nhóc đánh giày đang bu lấy từng đoàn xe du khách Nhật mặc đồng phục xanh giống hệt nhau và đội khăn xếp màu nghệ nhìn chả ăn nhập gì do những gã hướng dẫn viên xun xoe một cách tinh quái vấn cho, qua những dãy bậc thang cao ngất dẫn lên Thánh đường Thứ Sáu, qua những lái buôn ý tưởng và tinh dầu và mô hình của Qutb Minar[5] bằng thạch-cao-Ba-lê và ngựa đồ chơi phết sơn và gà chưa cắt tiết cánh vỗ phành phạch, qua những lời mời chọi gà và chơi bài, gã bước ra khỏi ghetto của giới ảo thuật và thấy mình đang đứng tại Faiz Bazar, đối diện bức tường trải dài bất tận của Thành Đỏ, nơi từ trên thành lũy của nó một Thủ tướng đã từng tuyên bố độc lập, và dưới bóng của nó một người đàn bà đã gặp một người chủ hộp vạn hoa, một anh chàng Dilli-dekho người dẫn bà đi vào những ngõ hẹp để nghe tiên đoán về tương lai của con trai bà, giữa bầy chồn và kền kền và các bệnh nhân gãy xương tay bó lá; rằng, nói ngắn gọn, gã rẽ phải và đi khỏi Thành Cổ hướng về những cung điện màu hường do những kẻ chinh phục da hồng xây dựng đã lâu: từ bỏ những cứu tinh của mình, tôi đi bộ đến New Delhi.
[5] Ngọn tháp thánh đường (minaret) cao nhất Ấn Độ, được UNESCO trao danh hiệu Di sản Thế giới.
Tại sao? Tại sao, sau khi hắt hủi một cách vô ơn nỗi buồn nhớ quá khứ của Parvati-phù-thủy, tôi ngoảnh mặt với cái cũ và lên đường đến với cái mới? Tại sao, sau suốt nhiều năm tìm thấy nơi cô một đồng minh trung thành nhất ở các hội nghị về đêm trong tâm trí tôi, tôi lại rời bỏ cô nhẹ tênh đến thế vào buổi sáng? Đấu tranh với những khoảng trống rạn nứt về quá khứ, tôi chỉ có thể nhớ nổi hai lý do; nhưng không dám chắc cái nào là chủ yếu, hay là còn một cái thứ ba... trước hết, dù sao đi nữa, tôi đã đánh giá toàn diện tình hình. Saleem sau khi phân tích cơ hội của mình, không thể không tự thừa nhận rằng chẳng có gì tốt đẹp hết. Tôi không có hộ chiếu; xét về pháp lý là dân nhập cư bất hợp pháp (đã từng là người di cư hợp pháp); trại P.O.W. đang chờ tôi ở khắp nơi. Và cho dù có gác tình trạng bại-binh-chạy-trốn của tôi sang một bên, thì danh sách những bất lợi của tôi vẫn rất ghê gớm: tôi không có tiền hay quần áo; không bằng cấp - chưa hoàn tất bậc học và cũng chẳng nổi trội gì trong những học phần tôi đã trải qua; tôi làm sao để theo đuổi kế hoạch tham vọng là cứu quốc khi không có lấy một mái nhà trên đầu hay một gia đình để bảo vệ ủng hộ hỗ trợ... tôi bỗng nhận ra, như sét đánh bên tai, rằng mình đã nhầm; rằng ở đây, chính tại thành phố này, tôi có họ hàng - và không chỉ họ hàng bình thường, mà họ hàng có thế lực! Cậu tôi Mustapha Aziz, một Công Chức cấp cao, người lần cuối tôi nghe nhắc đến đã là nhân vật số hai ở Sở của cậu; còn có người bảo hộ nào phù hợp hơn cho tham vọng Cứu thế của tôi? Dưới mái nhà cậu, tôi có thế tạo dựng quan hệ và có quần áo mới; có sự bảo trợ của cậu, tôi sẽ được bổ dụng vào Chính quyền, và, trong quá trình tìm hiểu nội tình chính phủ, chắc chắn tôi sẽ tìm thấy chìa khóa cho sự nghiệp cứu quốc; và tôi sẽ được các Bộ trưởng lắng nghe, có thể tôi còn xưng hô bằng tên[6] với con người vĩ đại...! Chính vào lúc bị viễn cảnh huy hoàng ấy chế ngự tôi đã bảo Parvati-phù-thủy, “Tớ phải đi; nhiều đại sự đang diễn ra!” Và, nhìn thấy sự tổn thương trên hai gò má đột nhiên bừng đỏ, bèn an ủi cô: “Tớ sẽ đến thăm cậu thường xuyên. Thường xuyên thường xuyên.” Nhưng cô không thấy được an ủi... lý tưởng cao đẹp, như vậy, là một động cơ khiến tôi ruồng bỏ những người đã giúp đỡ tôi; nhưng chẳng phải còn một động cơ khác nhỏ mọn hơn, thấp kèm hơn, riêng tư hơn sao? Có đấy. Parvati đã bí mật dắt tôi ra một góc sau một căn lán dựng bằng tôn-và-gỗ-phế-thải; nơi gián đẻ trứng, nợi chuột làm tình, nơi ruồi ngốn ngấu phân chó, cô siết chặt cổ tay tôi và trở nên bừng sáng ở mắt và xuýt xoa ở lưỡi; nấp trong đoạn ruột già thối rữa của ghetto, cô thú nhận rằng tôi không phải đứa trẻ nửa đêm đầu tiên tao ngộ với cô! Và giờ là câu chuyện về đoàn diễu hành ở Dacca, khi các ảo thuật gia sánh bước bên các anh hùng; kia là Parvati nhìn lên một chiếc xe tăng, kia là mắt-Parvati bắt gặp một cặp đầu gối khủng bố, linh hoạt như tay... cặp đầu gối kiêu hãnh gồ lên dưới bộ quân phục hồ cứng; kia là Parvati kêu lên, “Ơ này! Ơ này...” và rồi cái tên không thế nói ra, cái tên của tội lỗi của tôi, của kẻ đáng lẽ sẽ sống cuộc đời của tôi nếu không có một tội ác trong nhà hộ sinh; Parvati và Shiva, Shiva và Parvati, mà vận mệnh thần thánh của hai cái tên đã định cho họ gặp nhau, được hội ngộ đúng vào thời khắc chiến thắng. “Anh hùng đấy!” cô xuýt xoa tự hào đằng sau căn lán. “Họ sẽ cho cậu ấy làm quan to này kia!” Và bây giờ, thứ gì được rút ra từ nếp y phục xác xơ của cô? Thứ gì từng kiêu hãnh mọc trên đầu một anh hùng và nay nép vào bầu ngực nàng pháp sư? “Tớ xin và cậu ấy cho,” Parvati-phù-thủy nói, đoạn chìa cho tôi lọn tóc của hắn.
[6] Trong tiếng Anh, khi giao tiếp lịch sự, người ta gọi nhau là ông/bà + họ. Còn nếu là chỗ bạn bè thân mật thì gọi nhau bằng tên.
Tôi có bỏ chạy khỏi lọn tóc định mệnh ấy? Saleem, sợ phải tái ngộ với bản thể đối lập của mình, kẻ đã bị gã từ-rất-lâu cấm cửa ở những cuộc họp nửa đêm, có đào tẩu vào vòng tay của cái gia đình mà cuộc sống tiện nghi đã bị tước mất khỏi tay người hùng thời chiến? Vậy là vì lý tưởng hay tội lỗi ? Tôi không chắc chắn nữa; tôi chỉ ghi lại những gì nhớ được, ấy là việc Parvati-phù-thủy thì thầm, “Biết đâu cậu ấy sẽ trở lại khi rảnh rỗi; lúc ấy ta sẽ có ba người!” Và cả một câu nữa, lặp đi lặp lại: “Những đứa trẻ của nửa đêm, yaar... oách đấy chứ, hả?” Parvati-phù-thủy khiến tôi nhớ lại những điều tôi đã cố gạt bỏ khỏi tâm trí; và tôi rời bỏ cô, đến nhà Mustapha Aziz.
Lần tiếp xúc cuối cùng thê thảm của tôi với sự thân mật tàn nhẫn của cuộc sống gia đình chỉ để lại những mảnh vụn; tuy nhiên, do tất cả phải được ghi chép để rồi ngâm ủ, tôi sẽ cố gắng chắp nối thành một câu chuyện... vậy thì, để bắt đầu, tôi xin báo cáo rằng, cậu Mustapha tôi sống tại một bungalow kiểu Công chức tiện nghi một cách nhạt nhẽo trên một mảnh vườn chỉn chu kiểu Công chức ở ngay trên đường Rajpath giữa trung tâm thành phố của Lutyens[7]; tôi đi dọc con-đường-từng-là-Đại-lộ-Hoàng-đế, hít thở vô vàn mùi vị của phố phường, phả ra từ Khu Bách hóa Thủ công và ống xả xe tuktuk; hương bồ đề và tuyết tùng trộn với mùi ma quái của mồ ma các toàn quyền và memsahib[8] đi găng tay, với cả mùi hơi người khen khét của các begum giàu xổi và dân vô gia cư. Đây là tấm bảng tỉ số bầu cử, nơi (trong trận-chiến-quyền-lực đầu tiên giữa Indira và Morarji Desai) người dân đã bu quanh, chờ đợi kết quả, háo hức hỏi nhau: “Con trai hay con gái?” ... giữa cổ và kim, giữa Cổng Ấn Độ và Văn phòng Chính phủ, tâm trí tôi chen chúc suy nghĩ về hai đế chế (Mughal và Anh) đã tiêu vong và về lịch sử của chính tôi - bởi vì đây là thành phố của lời tuyên bố công khai, của quái vật nhiều đầu, và của một bàn tay trên trời rơi xuống - tôi quyết tâm dấn bước, người bốc mùi, như mọi thứ xung quanh, lên tận trời xanh. Và cuối cùng, sau khi rẽ trái về phía đường Dupleix, tôi dừng lại trước một khu vườn vô danh có tường thấp và hàng rào ô rô bao quanh; ở góc vưòn tôi thấy một tấm biển đu đưa trong gió, như đã một lần những tấm biến từng nở hoa trong các khu vườn ở Điền trang Methwold; nhưng tiếng vọng này của quá khứ lại kể một câu chuyện khác. Không phải BÁN NHÀ, với hai nguyên âm bất tường cùng bốn phụ âm định mệnh; bông hoa gỗ trong vườn của cậu tôi nở ra một thông báo kỳ quái: Ngài Mustapha Aziz và Ruồi.
[7] Edwin Lutyens, kiến trúc sư người Anh, người thiết kế hầu hết các kiến trúc quan trọng của New Delhi trong thời kỳ thuộc Anh vào những năm 1920-1930. Nhà của Mustapha có lẽ nằm ở Khu Bungalow Lutyens, một quần thể rộng gồm những dãy nhà xây kiểu bungalow dành cho viên chức của chính quyền. Rajpath là Đại lộ Hoàng gia ở Delhi, nơi tổ chức các cuộc diễu hành quan trọng của thành phố.
[8] Cách xưng hô kính trọng của thời kỳ thuộc Anh, dành cho những phụ nữ da trắng đã lập gia đình.
Không hề biết chữ cuối cùng là lối viết tắt khô khan, quen thuộc của cậu tôi đối với danh từ gây xúc động rộn ràng “gia đình”[9], tôi rơi vào tình trạng hoang mang vì tấm biển gật gù; tuy nhiên, sau khi đã ở nhà cậu một thời gian rất ngắn, tôi bắt đầu thấy nó hoàn hoàn hợp lý, vì gia đình của Mustapha Aziz, quả thật, cũng bị đập bẹp, tầm thường, giống-côn-trùng như con Ruồi bị rút gọn một cách bí hiếm nọ.
[9] Gia đình trong tiếng Anh là Family, nếu cắt bỏ ba chữ ami thì còn Fly nghĩa là con ruồi.
Những lời lẽ nào đã chào đón tôi khi, có chút hồi hộp, tối ấn chuông, lòng tràn trề hy vọng bắt đầu một sự nghiệp mới? Bộ mặt nào đã xuất hiện sau cánh cổng bịt lưới thép và cau lại trong một cơn ngạc nhiên giận dữ? Padma: tôi nhận được sự chào đón của vợ cậu Mustapha, từ bà mợ điên Sonia, với câu cảm thán: “Ptui! Allah! Thằng này hôi khiếp!”
Và cho dù tôi, ra sức lấy lòng, “Xin chào, Mợ Sonia yêu quý,” và toét miệng cười bẽn lẽn trước hình thù khuất-sau-lưới-thép của một nhan sắc Iran bắt đầu nhăn nheo ở mợ tôi, bà tiếp tục, “Saleem, phải không? Rồi, tao nhớ mày rồi. Thằng ranh con hỗn xược. Lúc nào cũng nghĩ lớn lên mày sẽ thành Chúa này kia. Mà tại sao? Một bức thư ngu xuẩn chắc hẳn do trợ lý thứ mười lăm của phủ Thủ tướng gửi cho.” Từ buổi gặp đầu tiên ấy lẽ ra tôi phải dự báo được các kế hoạch của mình sẽ tiêu ma; lẽ ra tôi phải đánh hơi thấy, từ bà mợ điên khùng, mùi sặc sụa không nguôi của lòng đố kỵ Công chức, điều sẽ phá hoại mọi nỗ lực của tôi nhằm xác lập vị thế trên đời. Tôi được nhận một lá thư, bà ta thì không; điều đó làm chúng tôi thành kẻ thù truyền kiếp. Nhưng có một cánh cửa, rộng mở; thoang thoảng mùi quần áo sạch và nhà tắm vòi sen; và tôi, cảm kích trước những ân huệ nhỏ nhặt, không xét thấy những mùi hương chết người từ mợ tôi.
Cậu tôi Mustapha Aziz, mà bộ ria một-thời-vuốt-sáp-đầy-kiêu-hãnh không bao giờ hồi phục sau cơn bão bụi gây tê liệt của việc phá hủy Điền trang Methwold, đã bị bỏ qua khi xét để bạt Giám đốc Sở không dưới bốn mươi bảy lần, và cuối cùng đã tìm thấy niềm an ủi cho sự thiếu năng lực của mình trong việc đánh đập lũ con, và lèm bèm hằng đêm về việc mình rõ ràng là nạn nhân của định kiến bài-Hồi-giáo, trong lòng trung thành đầy mâu thuẫn nhưng tuyệt đối với Chính phủ đương thời, và trong nỗi ám ảnh về khoa phả hệ, sở thích duy nhất của cậu, mà máu đam mê còn lớn hơn khát vọng chứng minh mình là hậu duệ của các Đại đế Mughal của cha tôi năm xưa. Trong niềm an ủi đầu tiên ông nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng của vợ, bà Sonia (tên thời con gái Khosrovani) nửa Iran và khao-khát-làm-phụ-nữ-thượng-lưu, người xác thực đã hóa điên vì một cuộc sống trong đó bà buộc phải sắm vai “che tàn bợ đít” cho bốn mươi bảy bà vợ khác nhau và nối tiếp nhau của những nhân vật số một, những người trước đó đã bị bà rẻ rúng với thái độ khệnh khạng bề trên khi họ còn là vợ nhân vật số ba; dưới sự hội đồng tẩm quất của cậu mợ tôi, đám em họ tôi giờ đã bị tẩn tơi bời thành một đống nhão nhoét đến nỗi tôi chịu không nhớ nổi số lượng, giới tính, tầm vóc hay đường nét của chúng nữa; nhân cách của chúng, tất nhiên, từ lâu đã không còn tồn tại. Tại nhà cậu Mustapha, tôi ngồi im lặng giữa lũ em bị tán nhuyễn, nghe màn độc thoại hằng đêm và không ngừng tự mâu thuẫn của ông, quay ngoắt từ cay cú vì không được đề bạt sang trung thành mù quáng kiểu chó cưng với mỗi hành động của Thủ tướng. Nếu Indira Gandhi đề nghị cậu tự sát, Mustapha Aziz chắc sẽ quy việc này cho sự thành kiến với người đạo Hồi nhưng lại bênh vực nhãn quan lãnh đạo của đề nghị ấy, và, tất nhiên, sẽ thực hiện nhiệm vụ mà chẳng dám (thậm chí không tưởng đến) phản kháng.
Về phả hệ: cậu Mustapha dành tất cả thờỉ gian rỗi để lấp đầy những cuốn sổ ghi chép dày khự bằng những cây gia tộc hình nhện, không ngừng đào sâu nghiên cứu và lưu danh sử sách hậu duệ kỳ dị của các đại gia tộc trên cả nước; nhưng một hôm, trong thời gian tôi ở đây, mợ Sonia được biết về một rishi[10] từ Hardwar, người nghe đồn đã ba trăm chín mươi lăm tuổi, và thuộc lòng phả hệ của mọi gia tộc Bà la môn trên cả nước. “Đến cả cái đấy anh cũng chỉ về nhì!” bà rít lên với cậu tôi. Sự tồn tại của vị rishi từ Hardwar dã hoàn tất quá trình rơi vào điên loạn của bà, khiến sự bạo hành của bà với lũ con gia tăng đến mức cả nhà phải sống thường trực trong nỗi lo xảy ra án mạng, và cuối cùng cậu Mustapha buộc phải cho nhốt bà lại, bởi sự quá đáng của bà làm ông khó xử trong công việc.
[10] Ẩn giả Hindu.
Đấy, như vậy, là gia đình mà tôi đã tìm đến. Sự hiện diện của họ ở Delhi trở nên, trong mắt tôi, như một sự báng bổ với quá khứ của tôi; tại một thành phố mà, với tôi, hồn ma Ahmed và Amina thời trẻ ngự trị vĩnh hằng, con Ruồi gớm ghiếc ấy đang bò lên đất thiêng.
Nhưng điều không bao giờ có thế xác minh được là, những năm sau này, nỗi ám ảnh về phả hệ của cậu tôi sẽ được tuyển mộ phục vụ một chính quyền đang bên bờ, vực sụp đổ dưới bùa phép song hành của quyền lực và thuật chiêm tinh; bởi vậy điều xảy ra ở Quán trọ Góa phụ có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có sự giúp đỡ của ông... nhưng không, tôi cũng là tên phản bội; tôi không kết tội; tôi chỉ muốn nói rằng đã có lần tôi nhìn thấy, trong đống sổ phả hệ của ông, một cặp tài liệu màu đen bằng da dán nhãn TỐI MẬT, đề tên KẾ HOẠCH M.C.C.
Cái kết đang đến gần, và chẳng thể bị né tránh bao lâu nữa; nhưng trong lúc sarkar của Indira, như chính quyền của cha bà, ngày ngày đều tham vấn những kẻ bàng môn tà đạo; trong lúc lũ thầy bói Benarsi[11] góp phần viết nên lịch sử Ấn Độ, tôi phải đi lạc đề sang những hồi ức riêng tư, đau đớn; bởi chính tại nhà cậu Mustapha mà tôi biết tin, xác thực, về cái chết của gia đình tôi trong cuộc chiến năm 65; và còn về sự mất tích, chỉ vài ngày trước khi tôi xuất hiện, của giọng hát Pakistan nổi tiếng Jamila Ca sĩ.
[11] Một thành phố thuộc bang Uttar Pradesh bên bờ sông Hằng.
Khi bà mợ điên khùng biết tôi đã chiến đấu trong hàng ngũ phe địch, bà nhất định không cho tôi ăn nữa (cả nhà đang ăn tối), và rít lên, “Chúa ơi, mày thật là gan cùng mình, biết không hả? Mày không có não để nghĩ à? Mày mò đến nhà một Cán bộ Nhà nước Cấp cao - một tên tội phạm chiến tranh sổng chuồng, Allah! Mày tính làm cậu mày mất việc à? Mày muốn đẩy cả nhà tao ra đường à? Mày phải biết nhục chứ! Đi - Đi, cút đi, hay tốt hơn là để tao kêu cảnh sát đến gô cổ mày lại! Đi mà làm tù binh chiến tranh, việc gì đến chúng tao, mày còn chẳng phải con đẻ của bà chị đã quá cố của chúng tao...”
Hai tiếng sét, nối nhau giáng xuống: Saleem lo sợ cho an toàn của mình, đồng thời biết sự thật không thể trốn tránh về cái chết của mẹ gã, biết rằng gã đang ở vào thế yếu hơn là gã tưởng, bởi việc công nhận gã chưa được thực hiện ở phần này của gia đình gã; Sonia, biết rõ lời thú tội của Mary Pereira, có thể làm bất cứ điều gì!... Và tôi, lẩy bẩy, “Mẹ cháu? Quá cố?” Và giờ cậu Mustapha, có lẽ cảm thấy vợ mình đã quá lời, gượng gạo nói, “Không sao cả, Saleem, tất nhiên cháu phải ở lại - nó phải ở lại, mình ạ, còn cách nào khác đâu? - thằng bé tội nghiệp còn chẳng biết...”
Rồi họ nói ra.
Tôi bỗng nhận ra, giữa lòng con Ruồi điên dại này, rằng tôi nợ những người đã khuất một cơ số tang kỳ; sau khi biết về kết cục của cha và mẹ tôi và bác Alia và mợ Pia và dì Emerald, của ông em họ Zafar với quận chúa xứ Kif của gã, của Mẹ Bề trên và vợ chồng bà cô họ xa Zohra, tôi quyết định dành bốn trăm ngày tiếp theo để thương khóc họ, cho đúng phép và phải đạo: mười tang kỳ, mỗi kỳ bốn mươi ngày. Và rồi, và rồi, còn chuyện về Jamila Ca Sĩ…
Em đã biết tin tôi mất tích trong chiến loạn ở Bangladesh; em người luôn thể hiện tình yêu khi quá muộn, có lẽ đã hơi phát điên vì cái tin này. Jamila, Giọng hát của Pakistan, Họa mi của Đức tin, đả ra mặt phản đối giới cầm quyền mới của một Pakistan bị cắt xén, nhậy ăn và chiến tranh chia cắt; trong khi Ngài Bhutto tuyên bố trước Hội đồng Bảo an, “Chúng tôi sẽ xây dựng một Pakistan mới! Một Pakistan tốt đẹp hơn! Đất nước tôi đang lắng nghe tôi!” em gái tôi công khai lên án ông ta; em, thuần khiết nhất trong những kẻ thuần khiết, yêu nước nhất trong những người yêu nước, đã nổi loạn khi nghe tin tôi chết. (Đó, ít ra, là cách nhìn của tôi; tất cả những gì tôi nghe được từ cậu tôi thuần túy là thông tin; ông thu thập chúng qua đường ngoại giao, một kênh tin tức không đi vào phán đoán tâm lý.) Hai ngày sau bài phê phán những kẻ châm ngòi chiến tranh, em tôi đã biến mất khỏi mặt đất. Cậu Mustapha cố gắng vỗ về tôi: “Nhiều chuyện rất tồi tệ đang xảy ra ngoài đó, Saleem; lúc nào cũng có người mất tích; ta phải tính đến tình huống xấu nhất.”
Không! Không không không! Padma: cậu tôi nhầm! Jamila không mất tích trong tay Chính quyền; vì đúng vào đêm đó, tôi mơ thấy em, dưới bóng tối của đêm đen và sự che giấu của một tấm khăn bình thường, không phải cái áo choàng kim tuyến ai thấy là nhận ra ngay của Bác Puffs, mà một tấm burqa đen bình dị, lên máy bay chạy trốn khỏi thủ đô; và đây là em, hạ cánh xuống Karachi, không bị xét hỏi không bị bắt giữ hoàn toàn tự do, em bắt taxi đi sâu vào lòng thành phố, và kia là một tòa nhà kín cổng cao tường với ô cửa lật mà qua đó, đã có thời, lâu lắm rồi, tôi nhận bánh mì, thứ bánh mì men nở vốn là điểm yếu của em tôi; em gõ cửa xin vào, các nữ tu mở cửa trong lúc em nài xin tị nạn, phải, kia là em, đã vào trong an toàn, cửa chốt lại sau lưng em, đánh đổi một dạng vô hình lấy một dạng vô hình khác, ngày nay đã có một Mẹ Bề trên khác, vì Jamila Ca sĩ người từng, hồi còn là con Khỉ Đồng, dan díu với Thiên Chúa giáo, đã tìm thấy an toàn nơi nương náu sự bình yên ở dòng tu kín Santa Ignacia... phải, em ở đó, an toàn, không biến mất, không rơi vào tay bọn cảnh sát chuyên đấm đá bỏ đói tù nhân, mà an nghỉ, không phải dưới một nấm mồ vô danh bên bờ sông Ấn, mà vẫn sống, nướng bánh mì, và hát ngọt ngào cho các nữ tu kín; tôi biết, tôi biết, tôi biết. Làm sao tôi biết? Một người anh biết; thế thôi.
Trách nhiệm, lại một lần nữa công kích tôi: vì không thể phủ nhận - sự sụp đổ của Jamila, như thường lệ, hoàn toàn là lỗi của tôi.
Tồi sống tại nhà Mustapha Aziz bốn trăm hai mươi ngày... Saleem bận khóc thương muộn những người đã khuất; nhưng chớ nghĩ dù chỉ một giây rằng tai tôi điếc! Đừng tưởng rằng tôi không nghe thấy những điều tiếng quanh mình, những cuộc cãi cọ triền miên của cậu mợ tôi (một điều có lẽ đã giúp ông đi đến quyết định gửi bà vào nhà thương điên): Sonia Aziz la thét, “Thằng bhangi[12] - thằng ranh bẩn thỉu đê tiện ấy, nó còn chẳng phải cháu ông, tôi chẳng hiểu ông bị làm sao, ta nên tống thẳng cổ nó ra đường!” Mustapha, nhỏ nhẹ, đáp: “Thằng bé tội nghiệp đang tan nát cõi lòng, làm sao mình nỡ, bà chỉ cần để ý là thấy, đầu óc nó có vấn đề, nó chịu đựng quá nhiều điều tồi tệ.” Đầu óc có vấn đề! Một điều thật kinh khủng, khi thốt ra từ miệng họ - một gia đình mà, nếu đặt cạnh họ, một bộ lạc ăn thịt người lí lố còn có vẻ điềm đạm và văn minh hơn! Tại sao tôi lại chịu nổi điều này? Bởi vì tôi là kẻ đang ôm một giấc mơ. Nhưng trong bốn trăm hai mươi ngày, đó là một giấc mơ không thành hiện thực.
[12] Kẻ nghiện hút (bhang nghĩa là thuốc phiện) và thuộc đẳng cấp thấp hèn.
Ria ủ rũ, cao-nhưng-còng, một số hai mãn kiếp: cậu Mustapha tôi không phải là cậu Hanif tôi. Ông bây giờ là kẻ đứng đầu gia đình, người duy nhất của thế hệ ông sống sót sau vụ thảm sát 1965; nhưng ông chẳng giúp được gì tôi... Tôi đối mặt ông trong phòng làm việc chất đầy phả hệ của ông vào một tối rét căm và giải thích - bằng thái độ nghiêm túc đúng mực và cử chỉ khiêm cung song kiên quyết – về sứ mệnh lịch sử của tôi phải cứu vớt cả dân tộc khỏi định mệnh; nhưng ông thở dài và đáp, “Nghe này, Saleem, cháu muốn ta làm gì? Ta giữ cháu lại đây; cháu ăn cơm nhà ta và không làm gì cả như vậy cũng không sao, cháu đến từ nhà người chị quá cố của ta, ta phải trông nom cháu - cứ nghỉ ngơi cho khỏe đi đã; từ từ ta sẽ tính. Cháu muốn một chân thư ký hay gì đấy, chắc ta sẽ thu xếp được; nhưng mấy giấc mơ Chúa-mới-biết ấy thì bỏ đi. Đất nước đang ở trong những bàn tay đáng tin cậy. Indiraji đang thực hiện nhiều cải cách cấp tiến - cải cách ruộng đất, tái cơ cấu thuế, giáo dục, kế hoạch hóa gia đình - cháu có thể tin ở bà và sarkar của bà.” Dạy bảo tôi, Padma! Như thể tôi là một thằng ngô ngọng! Ôi hổ thẹn thay, nỗi hổ thẹn ô nhục vì bị những kẻ đần lên mặt dạy đời!
Ở mỗi ngã rẽ tôi đều vấp phải khó khăn; một nhà tiên tri giữa chốn man di, như Maslama, như ibn Sinani! Dù tôi nỗ lực đến đâu, sa mạc vẫn là phần số của tôi. Ôi sự vô dụng hôi hám của những ông cậu xu nịnh! Ôi tham vọng bị xiềng xích bởi những họ hàng bợ đỡ mãn kiếp về nhì! Việc cậu tôi từ chối yêu cầu khẩn thiết được đề bạt của tôi đã gây hậu quả nghiêm trọng: ông càng ca tụng Indira của ông thì tôi càng ghét cay ghét đắng bà ta. Kỳ thực, ông đang chuẩn bị cho tôi trở về với ghetto của giới ảo thuật, và cho... cho mụ ta… mụ Góa phụ.
Ghen tị: chính thế đấy. Sự ghen tị lớn lao từ bà mợ điên khùng, như thuốc độc rỉ vào tai cậu tôi, ngăn ông làm bất cứ điều gì để giúp tôi khởi đầu sự nghiệp mà tôi đã chọn. Số phận của vĩ nhân vĩnh viễn do lũ tiểu nhân định đoạt. Và còn cả: lũ tiểu phụ nhân điên khùng.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian